Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây cùng với nền chính trị ổn định, lực lượng lao động dồi dào chính là những yếu tố quan trọng thu hút sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Một hình thức phổ biến mà các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên sử dụng khi muốn thực hiện hoạt động kinh doanh ở Việt Nam đó là thành lập công ty. Trong bài viết này, Vạn Luật xin gửi tới bạn đọc các bước cơ bản để người nước ngoài có thể thành lập công ty ở Việt Nam.
Quy định chung của pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020 liệt kê các hình thức đầu tư tại Việt Nam, bao gồm:
– Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
– Thực hiện dự án đầu tư.
– Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
– Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
Người nước ngoài khi muốn thành lập công ty ở Việt Nam thường phổ biến với hai hình thức: đầu tư trực tiếp – đầu tư thành lập tổ chức kinh tế và đầu tư gián tiếp – đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
Một số điều kiện để thành lập công ty ở Việt Nam:
– Doanh nhân nước ngoài phải là người có quốc tịch trực thuộc các nước trong WTO. Là công dân hợp pháp, có đầy đủ giấy tờ chứng minh tư cách pháp nhân, cá nhân hợp lệ, có xác nhận của lãnh sự quán.
– Nhà đầu tư nước ngoài muốn mở công ty thì phải chứng minh được điều kiện tài chính, khả năng đầu tư bằng cách cung cấp các giấy tờ xác minh năng lực tài chính như báo cáo tài chính, số dư tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm, tài sản cố định.
– Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thành lập công ty kinh doanh lĩnh vực mà pháp luật Việt Nam cho phép.
– Đối với các ngành nghề đòi hỏi điều kiện kinh doanh thì cần đáp ứng đầy đủ điều kiện phù hợp. Cần xin đầy đủ giấy phép như giấy đăng ký đầu tư, giấy phép đăng ký doanh nghiệp,… sau đó mới được thành lập công ty ở Việt Nam
– Cam kết việc kinh doanh không gây phương hại đến văn hóa, thuần phong mỹ tục, lịch sử… của Việt Nam.
– Nhà đầu tư nước ngoài phải cung cấp thông tin về địa điểm tiến hành dự án, các loại giấy tờ sử dụng đất, văn phòng thuê hợp lệ.

Thủ tục thành lập công ty cho người nước ngoài ở Việt Nam
3.1. Thành lập công ty theo hình thức đầu tư trực tiếp
Đầu tư trực tiếp là hình thức mà các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tự trực tiếp nắm quyền quản lý, kiểm soát và sử dụng phần vốn góp của mình trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cá nhân và tổ chức nước ngoài, được thành lập công ty tại Việt Nam theo quy định pháp luật, trước khi thành lập công ty, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định pháp luật.
3.1.1. Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
* Thành phần hồ sơ:
– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư
– Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức
– Đề xuất dự án đầu tư
Bao gồm các nội dung: Nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án
– Bản sao một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
– Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.
– Giải trình về sử dụng công nghệ đối với dự án có sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, bao gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính.
– Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
* Trình tự thực hiện:
– Bước 1: Nộp và tiếp nhận hồ sơ:
+ Cá nhân, tổ chức:
Trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư kê khai trực tuyến thông tin về dự án đầu tư tại Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài theo địa chỉ: http://fdi.gov.vn hoặc http://dautunuocngoai.gov.vn.
Nộp hồ sơ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả) trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhận Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả.
+ Sở KH&ĐT: Tiếp nhận hồ sơ, trả Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cho cá nhân, tổ chức.
– Bước 2: Giải quyết hồ sơ:
Phòng chuyên môn thụ lý, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và các điều kiện cấp Giấy CNĐKĐT, trình Lãnh đạo Sở phê duyệt kết quả giải quyết hồ sơ (Giấy CNĐKĐT/Thông báo về việc bổ sung hồ sơ/Thông báo về việc hồ sơ không điều kiện giải quyết).
– Bước 3: Trả kết quả:
Cá nhân, tổ chức nhận kết quả giải quyết hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
XEM THÊM: Hồ sơ cần cung cấp khi thành lập công ty tại việt nam?
3.1.2. Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, người nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cho cơ quan có thẩm quyền, để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà người nước ngoài muốn thành lập. Thông thường cá nhân nước ngoài sẽ mở công ty TNHH nhằm quản lý và hoạt động dễ dàng hơn.
* Hồ sơ cần cung cấp để mở cty TNHH bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
– Bản dự thảo điều lệ công ty.
– Danh sách thành viên (nếu có từ hai thành viên trở lên).
– Bản sao chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương.
– Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.
Một số trường hợp, có từ 03 người nước ngoài thành lập công ty tại Việt Nam cùng góp vốn, thì công ty cổ phần sẽ được các nhà đầu tư ưu tiên thành lập.
* Hồ sơ để mở cty cổ phần bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp
– Bản dự thảo điều lệ công ty cổ phần
– Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (áp dụng mẫu)
– Bản sao chứng thực hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương;
– Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp
* Trình tự thực hiện:
– Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ tới cơ quan đăng ký doanh nghiệp bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
– Cơ quan đăng ký doanh nghiệp tiếp nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
* Thời hạn giải quyết thủ tục đăng ký kinh doanh: 25 – 45 ngày làm việc
* Cơ quan giải quyết: Sở Kế hoạch và Đầu tư
3.2. Thành lập công ty theo hình thức đầu tư gián tiếp
Đầu tư gián tiếp là hình thức mà các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư nhưng không nắm quyền quản lý, kiểm soát và sử dụng phần vốn góp của mình mà thông qua một bên thứ ba giúp mình kiểm soát, thực hiện dự án đầu tư. Các hình thức đầu tư gián tiếp theo Luật đầu tư năm 2020 bao gồm các hình thức: đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn (Không bao gồm trường hợp mua cổ phần, phần vốn góp mà theo đó nhà đầu tư có quyền trong hoạt động đầu tư kinh doanh).
Với hình thức này thì ưu điểm là việc thực hiện sẽ diễn ra nhanh chóng và thuận tiện. Bên cạnh đó nhà đầu tư có thể tiến hành hoạt động kinh doanh nhanh chóng.
* Hồ sơ đăng ký mua phần vốn góp:
– Văn bản đăng ký góp vốn, phần vốn góp gồm những nội dung: Thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
– Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư 2020 quy định về trường hợp đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trên 50%:
“ 2. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- a) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
- b) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
- c) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh…”
Vì thế, nếu người nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trên 50% thì sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký góp vốn, sau đó tiến hành các thủ tục liên quan đến thay đổi đăng ký doanh nghiệp.
* Thời hạn giải quyết thủ tục: 25 – 45 ngày làm việc
* Cơ quan giải quyết: Sở Kế hoạch và Đầu tư